Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Bệnh tiểu đường là gì ?

Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) là tăng đường trong máu mạn tính, do tụy tạng không tiết Insulin hay Insulin hoạt động không hiệu quả. Insulin là một chất do tụy tạng tiết ra có tác dụng làm cho đường trong máu luôn ở mức ổn định.



Chẩn đoán người bệnh bị bệnh tiểu đường khi đường huyết lúc đói ít nhất qua 2 lần thử máu lớn hơn hay bằng 126mg/dL (7mmol/L).


Có 2 dạng tiểu đường chính: Tiểu đường típ 1 (người bệnh không có Insulin) và tiểu đường típ 2 (người bệnh có Insulin, nhưng Insulin hoạt động không hiệu quả)

Bệnh tiểu đường loại 1


Tiểu đường loại 1 còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hay có xu hướng xảy ra ở người trẻ, thường dưới 30 tuổi. Trong bệnh tiểu đường loại 1, là do cơ chế tự miễn, tức tuyến tuỵ bị tấn công và phá hủy bởi chính cơ thể, làm cho tuyến tuỵ không còn khả năng sản xuất insulin nữa. Bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 muốn sống được cần phải chích insulin.

Triệu chứng của tiểu đường loại 1 (do tụy tạng không tiết đủ insulin) thường đột ngột, có khi trong vòng vài ngày. Người bệnh đi tiểu luôn, lúc nào cũng khát nước, ăn uống nhiều vì ngon miệng, nhưng vẫn xuống cân. Thỉnh thoảng, có người từ trước vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng, nay đột nhiên hôn mê. Khi đưa vào bệnh viện và thử máu, mới thấy đường lên quá cao trong máu. Đo lượng insulin trong máu, thấy chất insulin trong máu người bệnh rất thấp hoặc không thấy có insulin gì cả.

Một khi người bệnh đã có triệu chứng gây do tiểu đường loại 1, chữa trị là chích chất insulin vào để thay thế cho chất insulin không có đủ trong cơ thể.

Bệnh tiểu đường loại 2
Tiểu đường loại 2 còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trưởng thành. Trong tiểu đường loại 2, tuỵ người bệnh vẫn còn khả năng sản xuất insulin, nhưng không đủ. Trong một số trường hợp, sau khi ăn tuỵ sản xuất một lượng insulin nhiều hơn bình thường. Ða số bệnh nhân tiểu đường loại 2, tế bào cơ thể vẫn còn nhạy cảm với insulin ( đặc biệt là tế bào mỡ và tế bào cơ), lượng lớn insulin được sản xuất được tế bào nhận diện.

Tiểu đường loại 2 thường xảy ra ở người trên tuổi 40. Có 80% số người bị bệnh tiểu đường loại này béo mập, nặng cân hơn bình thường. Khi đo lượng insulin trong máu những người nặng cân và bị bệnh tiểu đường , người ta thấy insulin trong máu bình thường, hoặc có khi còn cao hơn bình thường.

Sự di truyền trong trường hợp tiểu đường loại 2 còn mạnh hơn loại 1. Nếu có anh hay em sinh đôi bị tiểu đường loại 2, người kia trước sau gì cũng bị tiểu đường cùng loại. Nếu có bố mẹ bị tiểu đường loại này, gần như 1/3 con cái sinh ra sau này cũng bị tiểu đường, hoặc có những thử máu bất thường.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường có thể xảy ra thoáng qua trong quá trình thai kỳ. Sự thay đổi đáng kể về hormone trong quá trình mang thai thường làm tăng mức đường trong máu ở một số người. Tiểu đường do thai kỳ sẽ khỏi sau khi sanh. Tuy nhiên, có khoảng 40-50% phụ nữ tiểu đường do thai kỳ sẽ bị tiểu đường thật sự sau này.

Ðặc biệt những người cần insulin trong suốt thai kỳ và những người này quá trọng. Ở bệnh nhân tiểu đường do thai kỳ cần phải làm test dung nạp glucose 6 tuần sau khi sanh nhằm xem sau này họ có thể bị tiểu đường hay không

Tiểu đường cũng có thể do rối loạn các chất nội tiết tố hoặc do sự tăng đường trong máu xảy ra sau khi dùng một số thuốc.


Tổng hợp BSGĐ

Bài đăng Cũ hơn
«
Bài đăng Mới hơn
»

Không có nhận xét nào: