Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Cảnh báo về biến chứng đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh chuyển hóa do rối loạn dung nạp glucid (đường máu) trong cơ thể. ĐTĐ chiếm 60% đến 70% trong tổng số các bệnh nội tiết.




Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ như do di truyền (nếu cha hoặc mẹ mắc ĐTĐ thì 40% người con sẽ có khả năng mắc bệnh, hoặc cả cha và mẹ mắc bệnh thì khả năng người con bị ĐTĐ sẽ là trên 70%); báo động thừa cân ở trẻ em do lối sống ít vận động, ăn uống chưa phù hợp… 

Biến chứng ĐTĐ âm thầm mà nguy hiểm

Các biến chứng của ĐTĐ diễn ra âm thầm nên người bệnh thường chủ quan không để ý. Chỉ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ rệt thì mới đi khám bệnh, lúc đó việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Người mắc ĐTĐ rất dễ bị các biến chứng cấp tính: tăng ceton máu, tăng acid lactic, tăng áp lực thẩm thấu và một biến chứng rất nguy hiểm nữa là hạ đường máu cấp tính do dùng sai liều insulin… Biến chứng ĐTĐ có thể xuất hiện ở cả mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Trong khi đó mạch máu chạy khắp cơ thể, do vậy bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi biến chứng.

Với biến chứng mạn tính, nhiều bộ phận cơ thể sẽ bị tổn thương: viêm nhiễm (lao phổi, viêm thận, nấm, viêm da…), tổn thương mạch máu lớn gây tai biến mạch máu não, biến chứng mạch vành ở tim dẫn đến nhồi máu cơ tim, tại các mạch máu nhỏ ở mắt có thể gây mù lòa.

Theo thống kê của Hội ĐTĐ Mỹ cho thấy tại đây, 70% người mù trong độ tuổi 20-70 là do ĐTĐ; 50% trường hợp ghép thận do suy thận là từ biến chứng ĐTĐ. Do vậy người bệnh cần chú ý các dấu hiệu phát hiện biến chứng như cảm giác tê bì bỏng rát ở tay chân (dấu hiệu biến chứng thần kinh), nhìn mờ, giảm thị lực, đau thắt ngực, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… là phải đi khám ngay.

Tiêu chuẩn vàng - HbA1c để kiểm soát biến chứng ĐTĐ

Việc điều trị ĐTĐ phải đạt được hai mục tiêu: kiểm soát đường huyết ở ngưỡng an toàn và phát hiện điều trị sớm các biến chứng. Trong đó chỉ số HbA1c có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát biến chứng. Chỉ số HbA1c phản ánh khả năng kiểm soát đường huyết trong ba tháng gần nhất, ưu việt hơn chỉ số đường huyết (chỉ phản ánh đường máu tại thời điểm đo). Ở người bình thường HbA1c < 6,5%. Khi HbA1c giảm 1% bệnh nhân giảm được 38% nguy cơ mù lòa, giảm 30% nguy cơ suy thận, giảm 35% nguy cơ cắt cụt chi.

Nguồn: tổng hợp
Bài đăng Mới hơn
»

Không có nhận xét nào: